Ngành Bưu chính viễn thông sẵn sàng các phương án đảm bảo thông tin trong mùa mưa bão

Thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh Tuyên Quang về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020, Sở Thông tin và Truyền thông đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020.

Qua thống kê chi tiết, năm 2019 cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp viễn thông đã chịu những ảnh hưởng của thiên tai gây thiệt hại trực tiếp đến một số thiết bị, vật tư trên mạng lưới, gây gián đoạn thông tin cục bộ như: cảm ứng sét gây cháy hỏng thiết bị; đổ cây, sạt lở đất làm gẫy, đổ cột và đứt các tuyến cáp quang, cáp đồng đường trục và cáp thuê bao; ngập úng cục bộ gây ảnh hưởng tới việc di chuyển đi xử lý các sự cố…

Tính sơ lược sự cố cảm ứng sét xảy ra 36 lần, làm hỏng 02 card điều khiển tổng đài; 08 thiết bị truyền dẫn lẻ; 01 SWL2; 39 Rec tủ nguồn và 04 bộ cắt lọc sét; 01 máy phát điện bị sét đánh trực tiếp gây cháy hỏng hoàn toàn (trạm Phiêng Bung – Na Hang); Sự cố sạt lở đất, cây đổ do mưa bão, giông lốc làm đổ, gẫy cột gây đứt cáp quang, cáp đồng xảy ra 40 lần (không tính cáp thuê bao).

Riêng đợt mưa giông đêm 17/2/2019 gây đổ cột, đứt cáp tại nhiều vị trí thuộc địa bàn các huyện; riêng huyện Na Hang có 08 điểm đứt cáp quang, cô lập hoàn toàn mạng viễn thông tại huyện Na Hang.

Thiệt hại phải sửa chữa tài sản do thiên tai ước khoảng gần 300 triệu đồng, chưa tính tổn thất lưu lượng và công lao động khắc phục…

Ngoài ra thiên tai ảnh hưởng tới lưới điện của EVN gây mất điện diện rộng hoặc điện lực chủ động cắt điện phòng ngừa sự cố mỗi khi có mưa bão là nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng tới công tác bảo đảm thông tin trên các địa bàn của các doanh nghiệp viễn thông. Trong các tháng mùa mưa bão thường bị mất điện lưới diện rộng, việc vận hành nguồn điện dự phòng để duy trì các trạm BTS/NodeB gặp nhiều khó khăn, nhất là các trạm ở vùng sâu, vùng xa hoặc các trạm chiếm lĩnh độ cao, trạm chưa có máy phát điện.

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 02/4/2018 của UBND tỉnh Tuyên Quang về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020 và Quyết định số 128/QĐ-UBND, ngày 27/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành kế hoạch phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2020, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản số 184/STTTT-BCVT ngày 20/4/2018; văn bản số 295/STTTT-BCVT ngày 09/5/2019; văn bản số 283/STTTT-BCVT ngày 29/4/2020 chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Nhân viên kỹ thuật Viettel đang kiểm tra trạm Thu phát sóng.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, đảm bảo thông tin liên lạc cho phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ngay từ đầu năm, các đơn vị đã thành lập Ban chỉ huy PCTT-TKCN và tổ chức trực ban PCLB 24h/ngày, 7 ngày/tuần từ ngày 01/5 đến hết ngày 31/10. Trực ban PCLB có nhiệm vụ giám sát và điều hành toàn diện những hoạt động của đơn vị mình, phát hiện kịp thời và tổ chức điều hành, xử lý sự cố phát sinh theo quy trình xử lý sự cố thông tin đã được ban hành.

Các doanh nghiệp bưu chính viễn thông đã tổ chức diễn tập đánh giá tính khả thi các PA ƯCTT đã lập. Đảm bảo an toàn về con người phương tiện, các trạm BTS đảm bảo không bị mất dịch vụ khi mất toàn bộ điện lưới trong phạm vi lớn, thời gian xử lý tại các vị trí BTS mất dịch vụ phải được khôi phục nhanh đúng quy định.

Với quan điểm “Phòng là chính”, chuyển hướng mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa theo phương châm: “Chủ động phòng tránh – Đối phó kịp thời – Khắc phục khẩn trương và An toàn hiệu quả” nhằm đảm bảo thông tin liên lạc khi có thiên tai, bão, lụt, lũ quét, lũ ống…,

Trong mọi tình huống phải đảm bảo an toàn về người, bảo đảm phát sóng các trạm thuộc danh sách ưu tiên. Đặc biệt phải đảm bảo thông tin liên lạc cho các vị trí quan trọng, bao gồm: BCHQS TUYÊN QUANG, các UBND, Sở chỉ huy PCTT, UBND các huyện, các sở, ban, ngành.

Thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Vật tư phương tiện và kinh phí tại chỗ; Hậu cần tại chỗ.

Bưu điện Tuyên Quang, sẵn sàng trong mọi tình huống.

Trong lĩnh vực Bưu chính, chuyển phát, Bưu điện tỉnh lập kế hoạch giữ vững hành trình các tuyến đường thư cấp I: Đường thư cấp I Hà Nội – Hà Giang và đường thư Hà Nội – Tuyên Quang. Bưu điện tỉnh phối hợp với Công ty vận chuyển & kho vận; Công ty PHBC xây dựng phương án đảm bảo lưu thoát hàng hóa đến các Bưu điện tỉnh trên tuyến đường thư. Tuỳ theo tình hình cụ thể khi xe cấp 1 tắc địa bàn tỉnh Bưu điện tỉnh phối hợp với Công ty Vận chuyển & Kho vận điều hành hoặc sử dụng phương án tăng bo đường thư cấp I bảo đảm hành trình đường thư.

Đối với Đường thư cấp II từ tỉnh đến huyện: Tuyến đường thư Tuyên Quang – Lâm Bình; tuyến đường thư Tuyên Quang – Sơn Dương hoạt động bình thường bằng xe chuyên ngành; Trường hợp các tuyến đường thư cấp 2 tắc đường không đi được, Bưu điện tỉnh vận chuyển đến địa điểm tắc, đơn vị gần nhất tăng bo vận chuyển hàng đến các điểm giao nhận trên tuyến; Việc tổ chức tăng bo giữa các đơn vị phải đảm bảo an toàn, giao nhận đúng quy định. Tuỳ vào tình hình diễn biến xảy ra, Bưu điện tỉnh sẽ có chỉ đạo cụ thể nhằm đảm bảo lưu thoát túi gói, an toàn về người và hàng hóa.

Đối với các tuyến đường thư cấp III về các xã, khi đường tắc do sạt lở hoặc nước lũ, Bưu điện tỉnh giao cho giám đốc các đơn vị căn cứ tình hình cụ thể để tổ chức các tuyến vòng tránh bảo đảm hành trình, an toàn về người, túi, gói thư, báo.

Phương án chuyển phát đối với khu vực bị lũ, lụt: Tại thành phố Tuyên Quang: Khi một số đoạn đường bị ngập: đi theo đường vòng tránh; trường hợp đường vòng tránh cũng bị ngập tổ chức đi bộ, thuyền, mảng đi phát, ưu tiên phát công văn, báo chí cho các cơ quan Đảng, Chính quyền các cấp, các cơ quan trong nội thành bằng mọi phương tiện đảm bảo thông tin bưu chính phục vụ chỉ đạo trong công tác PCTT-TKCN của tỉnh; Các sản phẩm thu gom nội TP chuyển thẳng về bưu cục khai thác tỉnh; Tại các huyện: Giám đốc các Bưu điện huyện chủ động triển khai theo phương án đơn vị xây dựng và báo cáo về BĐT.

Bên cạnh đó, Bưu điện tỉnh còn xây dựng các phương án chi tiết khi cần sơ tán các bưu cục tại các nơi có lũ lụt, lũ quét, khi cos nước tại TP Tuyên Quang lên > 26m sẽ làm cho một số bưu cục trong khu vực bị ngập. Tất cả các bưu cục, ki ốt, điểm BĐ-VH ở gần sông, suối cũng có phương án cụ thể để chủ động di chuyển, bảo đảm an toàn người, tài liệu, tài sản, thiết bị.

Nhân viên kỹ thuật Viễn thông Tuyên Quang thực hiện gia cố lại hệ thống cáp thông tin.

Trong lĩnh vực Viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông cũng chủ động tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc các đơn vị cấp dưới trong việc triển khai thực hiện tự kiểm tra, củng cố mạng lưới, nhất là tại các trạm đầu mối, trạm node chung chuyển truyền dẫn, các tuyến cáp ở những khu vực hay bị ảnh hưởng của thiên tai trên địa bàn; việc chuẩn bị vật tư, thiết bị dự phòng cho ứng cứu thông tin khi có tình huống xảy ra.

Kiểm tra, khắc phục các tồn tại của hệ thống tiếp đất chống sét, các vị trí đấu nối tiếp đất tại các nhà trạm Viễn thông/BTS; cách ly dây gia cường cáp quang, cáp đồng trước khi vào phòng máy; sửa chữa, thay thế các thiết bị cắt lọc sét bị hư hỏng, suy giảm chất lượng; kiểm tra, củng cố đảm bảo độ cao của các tuyến cáp, nhất là các vị trí vượt đường; Tổ chức tuần tra các tuyền cáp thường xuyên để phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ gây mất an toàn như sạt lở đất, cây đổ hoặc dân phát và đốt nương ảnh hưởng đến tuyến cáp; Rà soát các vị trí cột siêu, cột thấp hoặc cần bổ sung cột và lập kế hoạch sửa chữa, nâng cao độ an toàn, vững chắc cho tuyến cáp.

Hàng tháng đều thực hiện kiểm tra 100% CSHT nhà trạm trên địa bàn, chủ động khắc phục hoặc báo cáo đề xuất khắc phục kịp thời các tồn tại được phát hiện trong quá trình kiểm tra. Duy trì thực hiện công tác bảo dưỡng In/Outdoor các trạm BTS, máy phát điện, thiết bị mạng Man-E, thông qua công tác bảo dưỡng để phát hiện, khắc phục ngay các tồn tại, các nguy cơ gây mất an toàn cho thiết bị và CSHT nhà trạm; Tiếp tục thực hiện tối ưu, chuẩn hóa phòng máy đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, môi trường, nhiệt độ để các hệ thống thiết bị hoạt động an toàn, ổn định; Giám sát chặt chẽ mạng lưới, thông báo, đôn đốc, phối hợp các đơn vị liên quan xử lý kịp thời các sự cố hoặc các nguy cơ gây mất an toàn mạng lưới.

Kiểm tra chất lượng mạng thông tin dùng riêng phòng chống thiên tai như hệ thống trạm thông tin vệ tinh VSAT-IP, hệ thống máy thu phát VTĐ sóng ngắn, các thiết bị đầu cuối thông tin vệ tinh Inmasat, bảo đảm khả năng sẵn sàng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các cấp chính quyền địa phương; đảm bảo chất lượng, số lượng các thiết bị, vật tư dự phòng phục vụ công tác ứng cứu thông tin trên toàn mạng lưới.

Các đơn vị chuẩn bị đủ số lượng, chất lượng các vật tư thiết bị dự phòng như: thiết bị đầu cuối, cáp quang, cáp đồng, dây thuê bao; cột bê tông, măng sông cáp, các vật tư phục vụ cho sản xuất và ứng cứu khắc phục sự cố; Nhiên liệu chạy máy phát điện tối thiểu bảo đảm nguồn điện dự phòng trong 24h cho các trạm BTS/NodeB, 48h cho các trạm Viễn thông và có phương án bổ sung khi có mưa lũ và bị cô lập dài ngày.

Chủ động lập phương án chi tiết để đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ cơ quan khí tượng thủy văn, Ban chỉ huy PCTT và chính quyền các cấp; Phương án đảm bảo mạng thông tin dùng riêng phòng, chống thiên tai; Phương án đảm bảo thông tin phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn và thông tin cho các vùng có lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, vùng sâu, vùng xa; Phương án đảm bảo nguồn điện dự phòng cho các trạm Viễn thông/BTS khi có sự cố mất điện diện rộng, khi cháy nổ, đứt cáp truyền dẫn, khi trạm bị ngập lụt, cô lập…

Khi có sự cố thiên tai mà chính quyền các cấp phải tổ chức cứu hộ, cứu nạn thì các trạm viễn thông/BTS trong vùng xảy ra sự cố sẽ được ưu tiên đặc biệt về mọi phương diện nhằm đảm bảo thông tin phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Khi có sự cố thiên tai làm hư hỏng tài sản, các đơn vị chủ động phối hợp với chính quyền, các cơ quan chức năng và nhân dân trên địa bàn bảo vệ tài sản của đơn vị, đề phòng kẻ gian lợi dụng thiên tai phá hoại, trộm cắp tài sản.

Trong mùa mưa bão, đặc biệt là trong khi làm nhiệm vụ xử lý ứng cứu thông tin và tham gia cứu nạn cứu hộ, mỗi nhân viên tham gia đều thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn lao động như an toàn về điện, an toàn khi thi công trên cao, an toàn trong điều kiện lao động trong mưa lũ, giông lốc, sạt lở đất … chấp hành nghiêm túc quy định sử dụng trang thiết bị bảo hộ, phòng hộ lao động và các trang thiết bị an toàn khác.

Với những lỗ lực và sự chủ động của toàn ngành bưu chính viễn thông, chắc chắn sẽ đảm bảo tối đa sự an toàn an ninh thông tin, phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp và cuộc sống sinh hoạt, kinh doanh của nhân dân.

Hồ Lan

 

Leave Comments

0925 038 097
0925 038 097
Phone